Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về xã hội hoá nghê rừng nào! hjhj
Đón xuân này, trong niềm vui sum họp là nỗi lo canh cánh về sự bất thường của thời tiết, khí hậu. Ở miền Bắc, vui Tết trong rét đậm, rét hại cùng khô hạn, miền Trung còn đó hậu quả của những đợt “lũ chồng lên lũ” cuối năm ngoái, miền Nam sạt lở đất và triều cường... Còn thế giới, cùng sự nóng lên của khí hậu toàn cầu, lũ lụt khủng khiếp là những đợt giá lạnh hiếm thấy xảy ra khắp nơi. Băng tuyết nghiêm trọng mà cả thế kỷ mới có một lần diễn ra ngay nước láng giềng với ta. Thiên tai hoành hành dữ dội và rộng khắp như thế đều liên quan đến vấn đề môi trường sống, nhất là rừng bị hủy hoại. Trồng rừng, bảo vệ rừng để giữ gìn môi trường sống đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu, cực kỳ hệ trọng mà mỗi quốc gia riêng rẽ không làm nổi.
Việt Nam có niềm tự hào về truyền thống trồng cây gây rừng. Đã thành tập quán tốt đẹp gần nửa thế kỷ qua, cứ mỗi độ xuân về, cả nước lại sôi nổi bước vào Tết trồng cây theo lời Bác Hồ dạy. Tết trồng cây mở đầu cho năm sản xuất mới, tạo ra phong trào xây dựng và bảo vệ vốn rừng rộng lớn trong cả nước, đem lại những lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường ở từng vùng miền và trong cả nước.
Tiếp tục thực hiện chương trình xã hội hóa nghề rừng, năm vừa qua, cả nước đã trồng được 202,6 nghìn héc-ta rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh kết hợp trồng bổ sung 969,3 nghìn héc-ta rừng, khoán quản lý bảo vệ 1,52 triệu héc-ta rừng. Nhờ vậy, chúng ta đã đưa diện tích rừng lên gần 12,85 triệu héc-ta, nâng độ che phủ của rừng lên 38,8%, 80% sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng.
Nhưng để kinh tế phát triển bền vững, môi trường sống an toàn trong thời kỳ mới thì phải thực hiện cho được mục tiêu nâng tỷ lệ đất có rừng lên 42 - 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020. Đặt ra đòi hỏi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vốn rừng phải chuyển biến căn bản về chất lượng, triệt để xã hội hóa nghề rừng theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Hết sức coi trọng việc tổ chức các loại hình rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, giữ đất, giữ nước; chắn sóng biển; giữ đê sông chống lũ lụt...
Xã hội hóa nghề rừng là nhằm huy động đến mức cao nhất sự tham gia của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội, nhà nhà, người người góp phần tạo bước đột phá đưa lâm nghiệp trở thành một mũi nhọn của phát triển kinh tế-xã hội. Góp phần thiết thực xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống đồng bào ở nông thôn, miền núi, giữ vững quốc phòng-an ninh.
Nguồn lực về vốn được huy động từ các nguồn trong và ngoài nước, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò quan trọng và tăng thêm, nội lực giữ vai trò quyết định. Một nửa số nhân lực cần được đào tạo, đủ sức triển khai đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái.
Hoàn thành giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; chú trọng các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo và phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa. Các hộ gia đình phải sống được bằng nghề rừng...
Xây dựng và bảo vệ vốn rừng là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Gắn bó với rừng trong chiến tranh cũng như thời bình, quân đội luôn là lực lượng quan trọng trong trồng và bảo vệ rừng.
Cùng với nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ là xây dựng kế hoạch công tác trồng rừng và bảo vệ, phát triển rừng để phòng ngừa thiên tai. Phối hợp chặt chẽ với địa phương nơi đóng quân, nhận rừng để khoanh nuôi, bảo vệ, nhận đất để trồng rừng theo quy hoạch. Tổ chức tốt công tác sẵn sàng ứng cứu sự cố cháy rừng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ đầu nguồn. Chuẩn bị mọi điều kiện về đất đai, cây giống, kỹ thuật để trồng cây ở các tỉnh phía Bắc vào đầu xuân và ở các tỉnh phía Nam vào dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ 19/05. Chọn loại cây và cách trồng phù hợp, ở miền núi là các rừng cây chống xói mòn đất, ngăn mưa lũ; ven biển, hải đảo là rừng cây, hàng cây ngăn sóng, gió, chống cát bay... Tổ chức tốt công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ để trồng cây nào sống tốt cây đó.
Trong “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2008, cả nước đồng tâm thi đua trồng cây, gây rừng, hạn chế thiệt hại của thiên tai, thực hiện lời Bác dạy: Trồng cây cho đất nước thêm xuân.